Chắc hẳn không ít người đã từng ăn qua cơm tấm và có chung thắc mắc cơm tấm có phải được nấu từ gạo tấm không và loại gạo này có đặc điểm gì? Cùng tìm câu trả lời qua những thông tin được chúng tôi chia sẻ dưới đây.
Nguồn gốc và ứng dụng của gạo tấm
Gạo tấm có đặc điểm gì, có nguồn gốc từ đâu và được sử dụng như thế nào?
Gạo tấm là gì, có tốt không?
Nguồn gốc của gạo tấm
Gạo tấm là loại gạo bị vỡ trong quá trình phơi khô, vận chuyển hoặc xay xát gạo. Khi xay xát, lúa sẽ tạo ra khoảng 50% gạo nguyên hạt, khoảng 16% gạo tấm, 20% trấu cùng 14% cám. Sau đó, các loại máy móc sẽ phân tách các hạt gạo tấm khỏi loại gạo nguyên hạt theo kích cỡ để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Loại gạo này nếu là sản phẩm của máy tách trấu được gọi là gạo tấm lứt, còn nếu là thành phẩm từ hoạt động của máy nghiền gạo thì được gọi là gạo tấm trắng.
Loại gạo này là sản phẩm tự nhiên của quá trình xay xát chứ không phải do cố tình giã nhỏ gạo khiến hạt gạo gãy vụn. Việc phân biệt gạo tấm tự nhiên rất dễ vì hạt tấm nhỏ li ti, tròn nhưng rất đều. Còn nếu cố ý làm gãy vụn hạt gạo thì sẽ khó đạt được mức độ nhỏ và tròn đều như vậy.
Gạo tấm sử dụng trong ăn uống hằng ngày
Gạo tấm là loại gạo bị vỡ, không phải bị hỏng hoặc đột biến xấu nên có thể sử dụng làm thực phẩm như bình thường. Thành phần dinh dưỡng của loại gạo này giống hệt với gạo nguyên hạt. Nói cách khác, nếu phôi gạo và cám gạo còn nguyên thì gạo tấm có thành phần dinh dưỡng tương tự gạo nứt, nếu không còn phôi gạo và cám gạo thì thành phần tương tự gạo trắng.
Do là loại gạo bị vỡ nên gạo tấm khi nấu chín sẽ mềm hơn so với gạo nguyên hạt và thấm vị dễ hơn. Người ta cũng có thể nấu cơm tấm nhanh hơn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và thường tận dụng để nấu cháo để rút ngắn thời gian chế biến. Gạo tấm cũng thường có giá rẻ hơn so với gạo nguyên hạt nên rất được người dân thu nhập thấp ưa chuộng. Tuy nhiên, nó cũng có thể được ăn như một món bình thường bởi nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau.
Gạo tấm sử dụng trong công nghiệp
Những hạt gạo tấm có kích cỡ rất nhỏ được sử dụng để ủ bia. Ngoài ra, loại gạo này còn được sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hải sản nuôi trồng,... Bên cạnh đó, người ta cũng sử dụng loại gạo này để làm bột giặt giũ hoặc nấu nướng, dùng trong công nghiệp mỹ phẩm, thuộc da,...
Cách nấu cơm tấm ngon
Việc nấu cơm tấm được đánh giá là khó hơn so với các loại gạo thông thường bởi hạt gạo tấm bị vỡ nên nếu không cẩn thận trong quá trình nấu nướng thì rất dễ khiến cơm bị nát, làm mất vị ngọt của gạo. Bởi vậy, khi nấu cơm tấm, các bà nội trợ cần phải tuân thủ đúng quy trình nấu nướng. Cụ thể là:
- Ngâm, xóc gạo trong nước rồi để cho ráo để hạt gạo ngấm đều nước. Người dùng chú ý chỉ xóc để loại bỏ chất bẩn, giúp hạt gạo ngấm nước chứ không vo mạnh hoặc đãi nhiều vì sẽ làm mất hết phôi và cám gạo.
- Khi nấu, cần đun sôi nước rồi mới cho gạo tấm vào, đậy vung lại. Nếu đun bằng bếp rơm, rạ truyền thống thì cần chú ý chỉnh độ lửa đều, không quá to để tránh khiến cơm bị cháy, khê. Nếu nấu cơm tấm bằng nồi cơm điện thì cần tránh đảo cơm liên tục. Tốt nhất sau khi đổ gạo vào nước thì quấy lên một chút để gạo không bị vón cục. Sau đó, khi cơm bước vào giai đoạn cạn nước thì người dùng đảo thêm một lần nữa để giúp cơm được chín đều.
Lưu ý: Lượng nước là yếu tố rất quan trọng quyết định tới việc chúng ta nấu cơm tấm có ngon hay không. Nếu nấu thừa nước một chút thì cơm sẽ bị nát, mất vị ngọt của hạt gạo. Người dùng chú ý căn chỉnh lượng nước vừa phải khi nấu cơm tấm để cơm thơm ngon, dẻo đều và không bị nát.
Mong rằng những thông tin trên đã giúp người dùng có được khái niệm cơ bản về gạo tấm và biết cách nấu cơm tấm chuẩn vị.