MỚI: GẠO LỨC SẠCH GẠO SẠCH BẮC HƯƠNG
Miền Tây là xứ sở của nhiều loại gạo thơm ngon nổi tiếng, vang danh mọi miền. Và nhắc tới gạo đặc sản miền Tây thì không thể không kể đến 3 loại gạo được đề cử dưới đây.
|
Thành ngữ dân gian có câu “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” như thể hiện sự thơm ngon, đủ đầy của gạo xứ Cần Đước - Long An. Và không hổ danh là địa phương sản xuất lúa gạo hàng đầu cả nước, Long An có nhiều loại gạo ngon, trong đó nổi tiếng nhất là gạo Nàng Thơm chợ Đào.
Gạo Nàng Thơm chợ Đào là loại gạo nổi tiếng ở khu vực chợ Đào - xã Mỹ Lệ - huyện Cần Đước - tỉnh Long An. Vào thời vua Minh Mạng, loại gạo này còn được dùng để tiến vua. Có khoảng 30 - 40 ha trồng đúng giống lúa nguyên chủng. Thơm ngon nhất là gạo được gieo trồng ở ấp Cầu Chùa và Rạch Đào.
Gạo Nàng Thơm chợ Đào là loại gạo đặc sản miền Tây xưa được dùng để tiến vua
Thực tế thì lúa Nàng Thơm có thể trồng được ở nhiều nơi nhưng không đâu có hương vị dẻo thơm, ngon ngọt như ở cánh đồng xung quanh khu vực chợ Đào. Khi đem lúa Nàng Thơm trồng ở nơi khác, chỉ sau một vụ, màu hồng của hạt gạo sẽ biến mất và chất lượng gạo vì thế mà giảm đi nhiều.
Lúa Nàng Thơm được gieo vào khoảng tháng 6 - 7, đến gần cuối tháng Chạp thì trổ bông. Lúa có chu kỳ sinh trưởng khoảng 6 tháng, cao gấp đôi so với giống lúa bình thường nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ. Vì thế, loại gạo thành phẩm của giống lúa này càng trở nên quý giá.
Về hình dáng bên ngoài, hạt gạo Nàng Thơm chợ Đào thon dài, có màu ngà ngà, khi bẻ đôi hạt gạo sẽ thấy bên trong hạt có màu hồng hạt lựu. Để gạo trong bao 4 - 5 tháng sau vẫn còn mùi thơm tự nhiên. Khi đem gạo nấu cơm, nước vừa sôi đã thấy hương thơm bốc lên ngào ngạt. Khi chín, hạt cơm bóng mượt, vị dẻo, thơm, ăn rất ngon. Đặc biệt, dù để cơm qua đêm thì cũng không sợ bị mất mùi thơm. Do vậy, loại gạo này đã trở thành gạo đặc sản miền Tây mà bất cứ du khách nào ghé qua cũng muốn mua về làm quà.
Hồng Dân là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Bạc Liêu, được đặt tên theo chiến sĩ cách mạng Trần Hồng Dân (1916 - 1946).
Gạo một bụi đỏ Hồng Dân là đặc sản truyền thống được sản xuất tại huyện Hồng Dân và huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu. Đây là giống lúa bản địa, không có tài liệu ghi lại sự ra đời của cây lúa này. Theo người dân địa phương, giống lúa một bụi đỏ có nguồn gốc là lúa hoang, bông chắc đều nên có sức sống mạnh mẽ, thích nghi tốt ở vùng đất mặn, nhiễm phèn của tỉnh.
Gạo một bụi đỏ Hồng Dân là loại gạo đặc sản miền Tây rất được yêu thích
Gạo một bụi đỏ Hồng Dân có màu vàng sẫm hơi ánh đỏ (nên được gọi là một bụi đỏ), hạt dài, thon nhỏ 2 đầu. Hạt gạo chắc, không bị vỡ khi xay xát, ít tấm, tỷ lệ bạc bụng dưới 4%. Gạo nấu lên cho cơm thơm, nở mềm, rất ngon và giàu chất dinh dưỡng với thành phần tinh bột 85%, protein 8% và các chất đạm, vi chất khác. Vì vậy, loại gạo này đã trở nên nổi tiếng, trở thành một đặc sản của đất Bạc Liêu.
Nói tới Sóc Trăng thì ngoài đặc sản lạp xưởng, bánh Pía, bánh phồng tôm,... người ta còn không thể không kể đến gạo thơm Sóc Trăng. Các giống lúa thơm được sản xuất ở Sóc Trăng gồm ST1, ST3, ST5, ST10, đặc biệt là ST24 và ST25 được đánh giá là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới.
Gạo ST25 có hạt dài, trong và không bạc bụng. Khi nấu lên, hạt gạo nở dài, bóng xốp, cơm rất dẻo, thơm và có hương vị ngọt dẻo đặc biệt. Vì thuộc loại dẻo thơm nên dù nấu ít nước thì cơm vẫn dẻo (kể cả khi không được xới từ trước). Khi thưởng thức, người dùng có thể cảm nhận được rõ rệt hương vị đậm đà của loại gạo đặc sản này. Đặc biệt, gạo ST25 có hàm lượng protein cao hơn gạo thường nên ăn không bị đầy bụng, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Khi đã ghé qua các tỉnh miền Tây gạo trắng nước trong, du khách đừng quên mua những loại gạo đặc sản miền Tây kể trên để làm quà cho gia đình, bạn bè nhé.