MỚI: GẠO LỨC SẠCH GẠO SẠCH BẮC HƯƠNG
Theo dự báo của nhiều doanh nghiệp, dự kiến giá gạo xuất khẩu sẽ ổn định tới hết năm 2020. Điều này là do tình hình thế giới có nhiều bất ổn đi kèm với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tuyển tập bài viết hay nên đọc: Những kinh nghiệm buôn bán gạo cần có, Kinh nghiệm mở đại lý gạo, Các yếu tố ảnh hưởng tới giá gạo.
Thời gian vừa qua, ngành xuất khẩu nước ta đã ghi nhận kỷ lục mới của giá gạo.
Theo thông tin từ các công ty xuất khẩu lúa gạo, hiện giá giao dịch gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta theo hợp đồng của Chính phủ đang ở mức 460 USD/tấn. Còn giá giao dịch đối với gạo chất lượng cao là khoảng 500 - 510 USD/tấn. Đây là mức giá được nhận định là tốt nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu nhảy vọt ấn tượng
Cụ thể, so sánh với những năm trước có thể thấy giá gạo xuất khẩu đã có bước tăng trưởng ngoạn mục. Giai đoạn năm 2012 - 2013, gạo xuất khẩu dao động trong khoảng giá 446,86 USD/tấn. Sang năm 2018, giá gạo Việt Nam xuất khẩu ở quanh mức 380-502 USD/tấn. Đến năm 2019, giá gạo xuất khẩu cũng chỉ dao động trong khoảng 376-420 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng là do diễn biến cung - cầu của thị trường. Cụ thể, thị trường có đầu ra nên doanh nghiệp Việt đã đàm phán, ký được mức giá tốt hơn. Từ đó, giá thu mua gạo cũng tăng lên, mang lại nguồn thu tốt hơn cho người dân.
Tại nhiều công ty xuất khẩu gạo, giá xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao dao động trong mức 500 - 800 USD/tấn tùy loại (mức giá này tăng bình quân khoảng 30% so với giá năm 2019). Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đàm phán hợp đồng mới với mức giá rất khả quan và không có nhiều biến động.
Giá gạo xuất khẩu được dự đoán sẽ ổn định cho tới cuối năm 2020
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, sở dĩ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua là do nhiều quốc gia như Trung Quốc, Philippines và các nước khu vực Tây Phi đang tăng cường nhập khẩu lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh hậu dịch bệnh khiến nhu cầu gạo tăng cao.
Các chuyên gia cũng dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo trong 6 tháng còn lại của năm 2020 vẫn rất tốt do nguồn cầu vẫn tăng (Malaysia và Indonesia đều tăng lượng gạo nhập khẩu, Philippines cần nhập tới 300.000 tấn gạo,...).
Dù giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhưng theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì hiện vựa lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị rộ mùa hè thu. Điều này có thể khiến giá lúa gạo sụt giảm nhẹ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, do vụ hè thu năm nay gặp hạn mặn nên sản lượng gạo có thể không tăng hoặc giảm nhẹ, chất lượng gạo cũng không bằng vụ đông xuân nên giá bán có thể không tốt bằng.
Do vậy, để tiếp tục giữ vị thế xuất khẩu gạo và có mức giá xuất khẩu tốt như hiện nay thì doanh nghiệp cần có sự đầu tư dài hạn cho việc xây dựng thương hiệu, cánh đồng liên kết để có chất lượng gạo tốt theo yêu cầu của khách hàng. Về cơ chế, hiện các bộ, ban, ngành đều đang phối hợp tốt. Đặc biệt, gần đây Hiệp định EVFTA được thông qua, Bộ Công thương cũng đang xúc tiến đàm phán với Liên minh Châu Âu để sớm đưa vào thực thi. Đây là những tín hiệu tốt cho gạo Việt xuất khẩu.
Để giữ được lượng gạo xuất khẩu cao và giá xuất khẩu cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, Bộ công thương sẽ theo dõi chặt tình hình cung - cầu gạo trong nước và quốc tế, đồng thời đưa ra dự báo động thái của các nước xuất - nhập khẩu gạo lớn trên thế giới. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì theo dõi diễn tiến dịch bệnh - thiên tai nhằm kịp thời ứng phó và có phương án điều hành phù hợp trong tình hình mới.
Để xuất khẩu gạo tăng trưởng bền vững, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp thì cần có sự điều hành hiệu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp phải kết hợp cả việc chú trọng thị trường xuất khẩu lẫn xây dựng các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa.