MỚI: GẠO LỨC SẠCH GẠO SẠCH BẮC HƯƠNG
Nhiều năm nay, gạo đặc sản Điện Biên đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc vì hương vị dẻo thơm, ngọt lành. 3 loại gạo nếp nương, tám thơm và nếp cẩm Điện Biên chính là đặc sản của núi rừng Tây Bắc, không thể tìm thấy hương vị tương tự ở bất kỳ đâu.
|
Điện Biên là thủ phủ của cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Cánh đồng Mường Thanh nằm dưới thung lũng, có thổ nhưỡng màu mỡ và được bồi đắp bởi phù sa dòng sông Nậm Rốn, chuyên gieo trồng các giống lúa bản địa.
Thung lũng Mường Thanh được thiên nhiên ưu đãi với địa hình bằng phẳng và thổ nhưỡng phì nhiêu nhất các tỉnh Tây Bắc. Nền nhiệt ở đây trung bình là 22 - 23°C, chế độ mưa không nhiều nhưng có độ ẩm không khí tương đối cao. Với thổ nhưỡng đặc biệt như vậy, hạt gạo được gieo trồng ở đây đều có độ dẻo, mùi thơm mà những loại gạo khác không thể so sánh.
Cánh đồng Mường Thanh - nơi “thai nghén” nhiều loại gạo đặc sản Điện Biên
Gạo Điện Biên nổi tiếng với vẻ ngoài trắng bóng, vị dẻo thơm, đậm đà, ngọt dịu dù cùng là một giống lúa gieo trồng như ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Gạo nếp nương, gạo tám thơm,... đặc sản Điện Biên hiện đã vang danh mọi miền đất nước, thậm chí còn được biết đến bởi bạn bè quốc tế.
Điện Biên nổi tiếng với 3 loại gạo đặc sản gồm
Hầu như không người dân nào của Việt Nam chưa từng nghe qua tới gạo tám Điện Biên. Loại gạo này được kết hợp từ nhiều giống lúa thơm như Nghi Hương, Bắc Hương, IR64 với năng suất và chất lượng cao. Tám thơm Điện Biên có hạt thon nhỏ, đều, căng bóng, màu trắng đục, hương thơm dịu. Khi nấu lên, cơm tám Điện Biên có vị dẻo như gạo nếp, đậm đà và có mùi thơm thoang thoảng.
Loại gạo này rất thơm dẻo nên thường được người dân dùng làm cơm lam, khẩu cắm. Khẩu cắm được đồ như đồ xôi với lá cẩm, cho màu xôi đẹp, vị ngậy, dẻo thơm và ngon miệng. Ngoài ra, đồng bào dân tộc tại đây còn dùng gạo tám thơm làm khẩu háng (đồ thóc rồi phơi khô, xát vỏ và đồ chín lại), khẩu papa (bánh nếp),...
Gạo tám thơm Điện Biên hạt căng, trắng, mùi thơm tự nhiên
Một loại gạo đặc sản Điện Biên không thể không kể đến chính là gạo nếp nương Điện Biên. Giống gạo này đặc biệt vì hạt gạo mẩy, dài (khác với các giống gạo nếp thường có hạt hơi tròn và mập).
Khi nấu, gạo nếp nương Điện Biên cho cảm giác không kết dính nhiều như loại nếp thông thường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nó là khi ăn thì người dùng sẽ thưởng thức được vị ngọt, dẻo và thơm của hạt cơm nếp mà không thể thấy được ở bất kỳ loại nếp nào khác. Gạo nếp nương Điện Điên dù có để nguội cũng không hề bị cứng, khó ăn. Bởi vậy, loại gạo này còn được dùng để làm cơm lam, khẩu háng.
Và tất nhiên, đã nhắc tới gạo đặc sản Điện Biên thì thật là thiếu sót nếu không kể tới gạo nếp cẩm. Đây là loại gạo có màu đen bóng, hạt càng bóng thì càng giàu dưỡng chất và có hàm lượng chất xơ cao. Cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên là nơi gieo trồng, cho ra loại gạo cẩm ngon nhất, chất lượng nhất.
Đặc trưng của loại gạo này là có màu đen bóng, khi nấu chín có màu mận chín đặc trưng. Gạo nếp cẩm thường được bà con dùng làm rượu nếp với vị ngọt đậm đà, dễ uống. Ngoài ra, các món ăn đặc trưng như xôi, bánh gói,... của bà con dân tộc tại đây cũng chủ yếu dùng loại gạo này. Không chỉ vậy, gạo nếp cẩm còn được dùng làm cơm rượu với vị thơm ngọt, vừa dễ ăn vừa tốt cho hệ tiêu hóa.
Trên những thửa ruộng Mường Thanh, các giống lúa đặc sản được gieo trồng bởi bàn tay lành nghề của bà con dân tộc, được kết tinh từ sự màu mỡ của đất đai, khí hậu mát mẻ vùng cao. Để tới khi thu hoạch, chúng đã trở thành loại gạo đặc sản Điện Biên quý báu của vùng núi cao Tây Bắc, được ưa chuộng sử dụng khắp mọi miền tổ quốc.