MỚI: GẠO LỨC SẠCH GẠO SẠCH BẮC HƯƠNG
Gạo đặc sản Tây Bắc nổi tiếng với những cái tên như gạo tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai,... Tuy nhiên, ít ai biết, núi đồi Tây Bắc còn là nơi khai sinh của nhiều giống gạo thơm ngon khác. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin bật mí về 2 loại gạo đặc sản vùng Tây Bắc mà có tiền cũng vẫn khó mua.
|
Gạo tẻ dâu còn được gọi là gạo dâu. Đây là loại gạo được trồng ở tỉnh Lai Châu, được chăm sóc dưới bàn tay của bà con dân tộc thiểu số.
Gạo dâu đặc sản Lai Châu có hạt nhỏ, thon dài và mùi thơm tự nhiên. Không giống những loại gạo khác, khi nấu chín, gạo tẻ dâu cho hạt cơm dài gấp đôi so với hạt cơm bình thường, hạt tròn, mẩy, dẻo và ngọt như cơm nếp. Chính hương vị đậm đà của cơm tẻ dâu khiến những người chỉ cần thưởng thức một lần là nhớ mãi và có thể dễ dàng phân biệt với bất kỳ loại gạo nào.
Gạo tẻ dâu là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lai Châu
Giống lúa tẻ dâu chuẩn nhất là ở bản San Thàng 1, 2, Chin Chu Chải, Lùng Than. Ở những vùng này, có lẽ khí hậu, chất đất đã tạo nên vị ngon ngọt của hạt gạo, làm xiêu lòng cả những người kén ăn nhất.
Đến tháng 9, các tư thương đến các xã, bản lùng mua thóc tẻ dâu. Gạo tẻ dâu không chỉ được thị trường trong tỉnh ưa chuộng mà còn trở thành gạo đặc sản Tây Bắc được nhiều người dùng khắp cả nước tìm mua. Dù chưa được quảng bá, xây dựng thương hiệu nhưng loại gạo này đã được thị trường biết đến cho chất lượng ngon, sạch. Giá bán gạo trung bình khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg và sản lượng gạo khá thấp nên không phải lúc nào cũng mua được.
Xã Tú Lệ - huyện Văn Chấn - tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với một loại gạo nếp có hạt to tròn, trắng trong, khi nấu lên có vị dẻo thơm đặc biệt không có được ở bất kỳ loại gạo này. Đó là giống nếp Tú Lệ (nếp Tan Lả theo tiếng của người Thái). Từ nếp Tú Lệ, đồng bào dân tộc Thái đã làm ra được nhiều loại gạo đặc sản Tây Bắc nổi tiếng, tiêu biểu là gạo Khẩu Hang (cốm già).
Khẩu Hang là một loại gạo nếp đặc biệt, được làm từ thóc nếp Tú Lệ và có quy trình sơ chế rất đặc biệt. Nếu như bình thường, để có gạo nếp thì người dân phải trồng lúa nếp, để lúa chín vàng rồi cắt về tách hạt, phơi khô, khi cần thì xay xát để tách vỏ trấu lấy gạo.
Gạo Khẩu Hang Yên Bái - loại gạo đặc sản Tây Bắc gây ấn tượng vì sự kỳ công
Tuy nhiên, với gạo Khẩu Hang thì khác. Đồng bào sẽ gặt thóc từ khi lúa còn non, chỉ chín một nửa bông lúa. Sau đó, các bà, các mẹ cẩn thận dùng tay tuốt từng bông lúa ra để tách lấy hạt. Để giữ độ thơm ngon và hương vị của lúa non, người dân tộc Thái đem số thóc đó đi đồ như đồ xôi tới khi thóc chín. Tiếp theo, phơi khô thóc đã đồ chín như phơi thóc bình thường.
Để giữ hạt gạo khi xay xát vẫn có màu sắc đẹp, không bị gãy, giữ được độ thơm ngon thì người ta chỉ phơi thóc dưới ánh nắng nhẹ (chủ yếu phơi ở chỗ râm, có gió để làm khô nước). Nếu phơi thóc dưới nắng to, nhiệt độ cao thì hạt gạo dễ bị gãy, màu trắng không đều và khi nấu chín không còn mùi thơm đặc trưng.
Hạt gạo Khẩu Hang chuẩn sẽ có màu trắng trong, hơi đục (không trắng bạc như gạo nếp thường). Cách nấu gạo Khẩu Hang cũng cầu kỳ hơn so với gạo nếp thường. Cụ thể, gạo sẽ được ngâm với nước lạnh trong khoảng 10 - 15 phút trước khi đồ xôi. Trong khi đồ cần chú ý lửa, khi nước chưa sôi có thể đun to lửa, khi nước bắt đầu sôi phải đun nhỏ lửa dể hạt gạo chín từ từ. Có như vậy thì khi ăn gạo mới có vị thơm ngon đặc biệt.
Khi ăn, ta có thể cảm nhận được mùi thơm dịu mát của cốm, vị béo ngậy và ngọt của gạo non. Loại gạo đặc sản Tây Bắc này rất dễ ăn, nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp với người ăn kiêng thực dưỡng và trẻ em.
Vì loại gạo này được đồ từ thóc non nên thời gian bảo quản khá ngắn, chỉ khoảng 10 - 15 ngày ở nhiệt độ thường. Đồng thời, vì quá trình sơ chế, chế biến rất cầu kỳ nên giá của loại nếp này cũng rất cao, thậm chí rất khó mua được.
Du khách gần xa khi đến với các tỉnh miền núi phía Bắc hãy ghé qua nếm thử 2 loại gạo đặc sản Tây Bắc nói trên để cảm nhận được hương vị đặc biệt của núi rừng.